Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025: Petrolimex định hướng chiến lược phát triển 10 năm tới dựa trên 3 trụ cột chính
Hà Nội, ngày 25.4.2024 - Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - mã chứng khoán: PLX) họp bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Đại hội được triệu tập theo thông báo số 0668/PLX-HĐQT ngày 04.04.2025 của Hội đồng quản trị (HĐQT) Petrolimex để thảo luận, biểu quyết thông qua các nội dung thường niên thuộc thẩm quyền ĐHĐCĐ đã công bố tới Quý cổ đông tại website Petrolimex.com.vn.
Dự và chỉ đạo phiên họp ĐHĐCĐ Petrolimex năm nay có ông Lại Xuân Lâm – Phó Bí thư Đảng ủy Chính phủ. Về phía đại diện Chủ sở hữu có sự tham dự và chỉ đạo của ông Cao Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Tài chính; ông Nguyễn Thành Công – Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp Nhà nước.
Đoàn Chủ tịch điều hành ĐHĐCĐ gồm 5 thành viên: (1) Ông Phạm Văn Thanh – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn: Chủ tọa (2) Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đào Nam Hải; (3) Thành viên HĐQT, Phó TGĐ Tập đoàn Trần Ngọc Năm; (4) Thành viên HĐQT Trần Tuấn Linh và (5) Thành viên HĐQT Endo Tsuyoshi.
Tại Đại hội, các nội dung báo cáo, tờ trình thuộc thẩm quyền đề được cổ đông thông qua với tỷ lệ biểu quyết cao.
Petrolimex hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh 2024
Năm 2024, HĐQT Tập đoàn đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn theo quy định. Trên cơ sở bám sát Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2024, HĐQT đã lãnh đạo và chỉ đạo triển khai các giải pháp đồng bộ, vượt qua những khó khăn thách thức, từ đó hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được giao và các nội dung đã được ĐHĐCĐ thường niên 2024 thông qua.

Bên cạnh hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu quan trọng được Đại hội đồng cổ đông giao, các lĩnh vực hoạt động khác của Tập đoàn cũng đạt được kết quả tốt, các công việc trọng tâm, nổi bật đã hoàn thành trong năm như sau:
(1) Nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, năm 2024, Tập đoàn đã tổ chức tạo nguồn hoàn thành 109% hạn mức tổng nguồn được Bộ Công thương phân giao, đảm bảo nguồn cung và bình ổn thị trường xăng dầu trong mọi tình huống. Đặc biệt, chủ động ứng phó, triển khai các kịch bản kịp thời để bảo đảm nguồn cung xăng dầu không bị gián đoạn, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, giảm thiểu rủi ro về người và tài sản khi có sự cố thiên tai, bão lũ, đặc biệt như cơn bão Yagi xảy ra tháng 09/2024.
(2) HĐQT quán triệt mục tiêu đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình SXKD và tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng quản trị Tập đoàn. Tiếp tục thực hiện nâng cao chất lượng quản trị Tập đoàn tiệm cận chuẩn mực OECD. Tổ chức rà soát lại toàn bộ các quy định, quy chế quản trị nội bộ để bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với các quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước.
(3) Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược Chuyển đổi số toàn diện: với việc triển khai hàng loạt dự án trọng điểm như: Đề án triển khai Tự động hoá tại kho và CHXD; Thanh toán tự động qua công nghệ RFID, camera thông minh; Giải pháp quản trị đơn hàng SMO; Nâng cấp App Petrolimex Version 2; Nâng cấp giao diện, tính năng Văn phòng số; Báo cáo thông minh BI; chuyển đổi số Văn bản quy phạm quản lý nội bộ Tập đoàn; Khảo sát thực trạng văn hoá số…
(4) Chuyển dịch năng lượng xanh: Triển khai Kế hoạch xây dựng Chiến lược net-zero và trung hòa các bon phạm vi 1&2 vào năm 2026 (Trao 2.000 máy lọc nước tại Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Nghiên cứu đầu tư trồng rừng, Thực hiện kiểm kê khí nhà kính trên phạm vi toàn Tập đoàn; Xúc tiến tư vấn nghiên cứu tạo tín chỉ carbon, Đăng ký tham gia các dự án JETP…).
(5) Tiếp tục thực hiện đề án cơ cấu lại Petrolimex giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2035 đã được phê duyệt; Tiếp tục triển khai nội dung sắp xếp lại, xử lý đất đai theo quy định pháp luật tại Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công như chỉ đạo của UBQLV.
(6) Thực hiện tốt công tác An sinh xã hội trong 2024: bao gồm Ủng hộ Quỹ cả nước chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo và các chương trình ASXH khác; Bù đắp chi phí tạo nguồn cho các đơn vị vùng sâu, vùng xa, có địa bàn kinh doanh khó khăn để đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ nhu cầu của xã hội, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trên mọi vùng miền của Tổ quốc.
Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025
Bước vào năm cuối thực hiện kế hoạch 2020-2025, hưởng ứng và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của các cấp, Petrolimex đặt mục tiêu như sau:
TT | Chỉ tiêu | Kế hoạch 2025 |
1 | Sản lượng xăng dầu xuất bán hợp nhất(m3, tấn) | 17.009.900 |
Trong đó, Công ty mẹ | 11.868.000 | |
2 | Doanh thu hợp nhất(tỷ đồng) | 248.000 |
Trong đó, Công ty mẹ | 148.000 | |
3 | Lợi nhuận hợp nhất trước thuế(tỷ đồng) | 3.200 |
Trong đó, Công ty mẹ | 1.936 | |
4 | Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến | 10% |
Để phấn đấu hoàn thành kế hoạch và các nội dung ĐHĐCĐ giao, HĐQT cùng Ban điều hành tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và nhóm giải pháp chủ yếu sau:
1. Đảm bảo đủ nguồn cho hoạt động kinh doanh:Đàm phán hợp đồng hiệu quả với các nhà máy lọc dầu trong nước, đồng thời nghiên cứu để mở rộng quan hệ đối tác với các nhà cung cấp, quản lý tồn kho hợp lý theo diễn biến thị trường, đảm bảo đủ nguồn hàng đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.
2. Kinh doanh và hỗ trợ kinh doanh:Tập trung nguồn lực để đẩy mạnh tăng trưởng mạnh ở tất cả các phương thức bán lẻ, bán buôn, TNNQ, TNPP để hoàn thành kế hoạch tăng trưởng sản lượng 8% trong đó:
- Đối với hệ thống bán lẻ: Ưu tiên phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu, trạm dừng nghỉ tại các tuyến cao tốc, trục lộ chính, địa bàn trọng điểm,…; Quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ các dự án; Đẩy mạnh cải tạo, sửa chữa CHXD theo chiều sâu nhằm mục tiêu tăng NSLĐ và tăng sản lượng
- Đối với các phương thức khác: Tìm kiếm các giải pháp hiệu quả, phân bổ nguồn lực hợp lý, để gia tăng số lượng TNNQ, số lượng các khách hàng bán buôn; Đẩy mạnh cải tạo, sửa chữa CHXD theo chiều sâu nhằm mục tiêu tăng NSLĐ và tăng sản lượng; Chú trọng và nâng cao hoạt động marketing, nâng cao tính cạnh tranh…
3. Triển khai đồng bộ các giải pháp để đảm bảo an ninh, an toàn:Tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn trong mọi điều kiện thời tiết, đặc biệt trong dịp lễ, Tết, mùa nắng nóng, mưa bão; Triển khai hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu PCCC & CNCH và hệ thống cảnh báo sự cố tại các công trình xăng dầu; Rà soát, cập nhật và ban hành mới quy chế bảo vệ môi trường phù hợp với quy định pháp luật hiện hành…
4. Đầu tư cơ cở vật chất kỹ thuật: Chủ động, bám sát và làm việc với các cơ quan hữu quan để thúc đẩy, xúc tiến nghiên cứu Dự án đầu tư kho - cảng xăng dầu Lạch Huyện; Tham gia đầu tư, sở hữu, vận hành kho xăng dầu hàng không, hệ thống tra nạp ngầm, xuất cấp nhiên liệu hàng không trong Cảng HKQT Long Thành và tuyến ống, kho ngoài Cảng HKQT Long Thành; Tiếp tục triển khai nhận diện thương hiệu mới tại hệ thống CHXD.
5. Công tác quản lý, quản trị và tái cơ cấu doanh nghiệp:Rà soát, cập nhật và đồng bộ hóa hệ thống quy chế, quy trình quản lý tài chính phù hợp với quy định và thực tiễn kinh doanh xăng dầu; Triển khai kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo chỉ đạo của Đảng và Nhà nước; Nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro, xây dựng văn hóa kiểm soát nội bộ; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát…
6. Công tác tổ chức lao động, tiền lương: Kiểm soát tốt định biên lao động tại các CTXD theo hướng tinh gọn, hiệu quả, nâng cao năng suất lao động; Chủ động rà soát, đánh giá để sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW; Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cải thiện thu nhập, chế độ đãi ngộ đối với người lao động trên toàn hệ thống phù hợp với điều kiện thực tế của Tập đoàn; Tăng cường công tác đào tạo, phát triển năng lực, chuyên môn nghiệp vụ, phấn đấu nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc…
7. Công tác ứng dụng CNTT, tự động hoá và chuyển đổi số: Tăng cường hơn nữa trong công tác chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW; Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chiến lược Chuyển đổi số toàn diện; Ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến để phục vụ công tác quản lý, quản trị, giám sát hàng hoá ở tất cả các khâu; Thúc đẩy toàn hệ thống sử dụng các dịch vụ tập trung, dùng chung, đặc biệt là các hệ thống ứng dụng nghiệp vụ, dịch vụ trọng tâm của Tập đoàn…
8. Chuyển dịch xanh: Nghiên cứu, đánh giá thị trường để đề xuất, xây dựng phương án phối trộn, kinh doanh các nhiên liệu sinh học phẩm chất cao; - Thực hiện chương trình kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính hướng đến mục tiêu trung hòa các-bon và net-zero; Thực hiện chương trình kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính hướng đến mục tiêu trung hòa các-bon và net-zero;
9. Đổi mới, sáng tạo:Tiếp tục phát động phong trào đổi mới, sáng tạo trên toàn hệ thống; Nghiên cứu, xây dựng, đề xuất phương án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; Phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tham gia vào các hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong kinh doanh, trong đó tập trung vào việc nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến và xây dựng các giải pháp phát triển nguồn năng lượng xanh, sạch, thân thiện với môi trường.
10. Đối với các Tổng Công ty/Công ty CP:Tập trung triển khai thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy các đơn vị theo Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2035 đã được phê duyệt; Có phương án đột phá, đổi mới trong quản trị, kinh doanh, tiếp cận thị trường mới ngoài kênh xăng dầu; Tăng cường công tác đầu tư, ứng dụng, khai thác các công cụ, nền tảng số vào công tác kinh doanh bán hàng; Tăng cường công tác quản lý, quản trị, kiểm soát nội bộ…